KINH TẾ, XÃ HỘI |
CPI tháng 10: Không tăng đột biến
(03/10/2014)
Do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, tâm lý chi tiêu dè dặt cùng việc sát sao trong công tác điều hành thị trường của các bộ, ngành, nên thị trường hàng hóa thời gian tới sẽ không có sự tăng giá đột biến. Đây là dự báo tại cuộc họp ngày 30/9 của Tổ điều hành thị trường trong nước.
Thị trường hàng hóa ổn định Theo báo cáo của Tổ điều hành thị trường trong nước, 9 tháng đầu năm, giá hàng hóa trên thị trường thế giới biến động tăng, giảm đan xen, chủ yếu tăng trong 4 tháng đầu năm và bắt đầu từ tháng 5 trở lại đây có xu hướng giảm so với đầu năm, mặt bằng giá vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều mặt hàng trong nước, nhất là các mặt hàng thiết yếu không có biến động lớn gây bất ổn thị trường, mặt bằng giá hàng hóa cũng không tăng nhiều. Nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng được điều hành theo hướng ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đối với mặt hàng điện, do nguồn điện hiện tương đối ổn định nên chưa có yếu tố tác động đến giá điện. Nhóm hàng nông sản, thực phẩm, sản xuất khá thuận lợi, nguồn cung dồi dào, giá nhiều loại nông sản không bị giảm sâu khi vào vụ thu hoạch rộ, bảo đảm thu nhập cho nông dân. Nhìn chung, tháng 9 và 9 tháng đầu năm, cơ bản giá cả hàng hóa đầu vào ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 9 tháng năm 2014 đạt 2.145.470 tỷ đồng, tăng 11,12% so với cùng kỳ năm 2013. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 6,22%. Điều này chứng tỏ sức mua trên thị trường đã nhích lên tuy vẫn ở mức thấp. Xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm là bức tranh “sáng” của nền kinh tế, cán cân thương mại vẫn thặng dư, xuất siêu cả nước là 2,471 tỷ USD. Bà Phan Thị Diệu Hà- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - nhận định: “Những số liệu của xuất nhập khẩu cho thấy, tình hình sản xuất , thị trường trong nước cũng như kiểm soát lạm phát tương đối ổn định. Sản xuất trong nước không những đáp ứng đủ trong nước, thay thế hàng nhập khẩu mà còn giữ bình ổn thị trường trong nước”.
Dự báo CPI tháng 10 tăng nhẹ CPI tháng 9 tăng 0,4% so với tháng 8 năm 2014, mặc dù là tháng có mức tăng khá cao từ đầu năm đến nay, nhưng so với cùng kỳ các năm trước, đây vẫn là mức tăng thấp. Tính chung, CPI 9 tháng đầu năm 2014 tăng 2,25% so với tháng 12 năm 2013 và tăng 4,61% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, nhóm giáo dục tăng cao nhất: 6,78% do việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ giáo dục tại một số địa phương, các nhóm hàng khác không có biến động lớn. Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, thị trường hàng hóa cuối năm sẽ chịu tác động của các yếu tố như: nhu cầu hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, nhiên liệu; nhu cầu tăng vào dịp lễ, Tết… Do đó, giá các mặt hàng này có thể tăng. Ngoài ra, nguồn cung tiền ra thị trường tăng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa. Dù vậy, do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp, tâm lý chi tiêu còn dè dặt cùng với việc sát sao trong công tác điều hành thị trường của các bộ, ngành, việc tiếp tục triển khai các chương trình bình ổn thị trường của các địa phương nên thị trường hàng hóa sẽ không có sự tăng giá đột biến. Trước mắt, CPI tháng 10 sẽ tăng không cao hơn nhiều so với tháng 9. CÁC TIN KHÁC
Tập trung cao nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế
(08/12/2024)
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|