KINH TẾ, XÃ HỘI |
Hà Nội thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển bền vững
(11/11/2024)
Thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế. Một trong những giải pháp đó là thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển bền vững. Tuy nhiên, để các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tích cực hưởng ứng chủ trương này, rất cần có những biện pháp hỗ trợ thiết thực.
Thu hút đầu tư vào ngành công nghệ số Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội, thời gian qua, mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tính riêng 10 tháng năm 2024, thành phố Hà Nội đã thu hút 1,6 tỷ USD vốn FDI. Trong đó, 233 dự án đăng ký cấp mới, với số vốn hơn 1,1 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 699,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch đến thành phố Hà Nội ước đạt 5,11 triệu lượt, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước. Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Lê Tự Lực cho biết, những kết quả tích cực trên cho thấy thành phố Hà Nội tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hơn nữa, với vị trí chiến lược là Thủ đô của cả nước, cùng nhiều lợi thế đặc thù, thành phố Hà Nội có nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ số, công nghệ cao. Đặc biệt, thành phố Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế. Trong đó, chú trọng thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh phát triển bền vững và các cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cũng theo ông Lê Tự Lực, thành phố Hà Nội đang nỗ lực đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua các chính sách về tín dụng, thuế, đất đai cũng như các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, kết nối giao thương… Qua đó, đóng góp tối đa vào sự phát triển của thành phố, để xứng đáng là một trong những điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cần tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Sơn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác phát triển (Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ số để thay đổi các hoạt động của tổ chức, nâng cao hiệu quả và tối ưu hóa quy trình làm việc. Chuyển đổi số trong đào tạo góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy bằng việc tăng cường tương tác, hỗ trợ học tập mọi lúc, mọi nơi, kết hợp đào tạo trực tuyến và trực tiếp… đồng thời giúp tối ưu hóa quy trình quản lý, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập, tăng cường khả năng cạnh tranh của trường đại học trong thời đại số. “Các yếu tố chính của chuyển đổi số là công nghệ thông tin bao gồm hạ tầng mạng, phần mềm quản lý, hệ thống bảo mật; đào tạo, phát triển kỹ năng số cho giảng viên, sinh viên; tối ưu hóa các quy trình hành chính và quản lý bằng công nghệ”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hoài Sơn thông tin. Đánh giá về những giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp số, Giám đốc Chiến lược Viettel Logistics Cao Cẩm Linh nhận định, rào cản của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số hiện nay là những lo ngại về việc rò rỉ dữ liệu, thiếu cam kết, hiểu biết của người lao động, của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, là những khó khăn trong việc tích hợp các giải pháp công nghệ số, thiếu thông tin và cơ sở hạ tầng công nghệ số và các rào cản về chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ. “Để chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư vào công nghệ và hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực công nghệ số”, bà Cao Cẩm Linh nêu rõ. Về phía cơ quan nhà nước, bà Cao Cẩm Linh kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như ưu đãi thuế và chính sách tài chính, đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án công nghệ (môi trường pháp lý linh hoạt, rút ngắn thời gian, giảm chi phí...). Cùng với đó, phát triển hạ tầng công nghệ và an ninh mạng quốc gia như đầu tư vào hạ tầng số, cải thiện mạng lưới internet băng thông rộng, 5G và cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường an ninh mạng; hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ; tăng cường nhận thức và hỗ trợ truyền thông, tuyên truyền rộng rãi đến người dân, doanh nghiệp. Rõ ràng, việc thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển bền vững là thực sự cần thiết. Nhưng để những giải pháp này phát huy tối đa hiệu quả, vẫn cần đến nhiều hơn chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Theo Hanoimoi.vn
CÁC TIN KHÁC
Tập trung cao nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế
(08/12/2024)
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|