KINH TẾ, XÃ HỘI |
Lương tối thiểu: Cuộc rượt đuổi chưa có hồi kết
(12/08/2014)
“Đến hẹn lại lên”, cứ vào tháng 8 hàng năm, câu chuyện về lương tối thiểu lại được đưa ra bàn thảo khá sôi động. Có điều, các thành viên trong Hội đồng Tiền lương quốc gia vẫn “hát” lại những bài hát cũ.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với "điệp khúc" “lương tối thiểu mới đáp ứng được 75% mức sống tối thiểu”. Đại diện cho giới chủ sử dụng lao động cho rằng, các doanh nghiệp (DN) còn gặp rất nhiều khó khăn, chỉ số giá tăng thấp, lạm phát được kiềm chế tốt, không có lý do gì phải tăng lương tối thiểu... Cuộc tranh luận sẽ không có hồi kết nếu chưa làm rõ được thế nào là mức sống tối thiểu? Số tiền cần có để bảo đảm cho mức sống tối thiểu hiện nay là bao nhiêu? Thật đáng tiếc, chưa thấy một tài liệu nào công bố việc xác định chỉ tiêu “mức sống tối thiểu” để chứng minh cho lập luận phải nâng lương tối thiểu. Ngược lại, chỉ thấy một báo cáo cho biết: “Trong quý I và II vừa qua, Viện Công nhân và công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đã khảo sát 1.500 công nhân tại 60 DN ở 12 tỉnh, thành phố về vấn đề tiền lương, mức sống tối thiểu. Theo đó, tiền lương trung bình của người lao động, bao gồm các loại phụ cấp và làm thêm giờ, hiện mới đạt hơn 3,7 triệu đồng/tháng, trong khi mức chi tiêu trung bình cho nhu cầu sinh hoạt hàng tháng của họ (có nuôi con) đã lên tới 4,1 triệu đồng/tháng. Hiện tại lương tối thiểu ở nước ta mới chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu đời sống tối thiểu của người lao động...”. Báo cáo dường như đã có sự nhầm lẫn giữa “mức chi tiêu trung bình” với “mức sống tối thiểu”. Thế nào là “mức sống tối thiểu”? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Bởi, sẽ không thể là như nhau về mức sống tối thiểu của một công nhân lao động giản đơn và mức sống tối thiểu của một kỹ sư, một quan chức trong bộ máy công quyền. Về lý thuyết, người ta có thể tính được số tiền cần có để đáp ứng nhu cầu tối thiểu cho một lao động giản đơn ở từng ngành, nghề, từng địa bàn và cũng có thể đưa ra một mức “thu nhập tối thiểu chung”. Tuy nhiên, “mức sống tối thiểu” không phải là một hằng số mà luôn thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, số tiền cần có cho mức sống tối thiểu của lao động giản đơn ở vùng I năm 2014 là 3.600.000 đồng, vì vậy lương tối thiểu ở vùng I là 2.700.000 đồng mới đáp ứng 75% nhu cầu của mức sống tối thiểu và phải nâng lương tối thiểu lên 3.400.000 đồng. Song, đến năm 2015, do nhu cầu của cuộc sống, mặt bằng giá thay đổi, số tiền cần có cho mức sống tối thiểu tới 4.500.000 đồng, khi đó, tiền lương tối thiểu 3.400.000 đồng vẫn chỉ đáp ứng được 75% nhu cầu đời sống tối thiểu... Đó sẽ là “cuộc rượt đuổi” không có hồi kết! Khi đã thừa nhận “sức lao động là một loại hàng hóa” trên thị trường lao động thì “giá cả” của hàng hóa này, tức mức tiền lương, tiền công, cũng phải tuân thủ quy luật của thị trường. Người sử dụng lao động và người lao động có quyền thỏa thuận với nhau về tiền lương, tiền công trên cơ sở chất lượng lao động và hiệu quả công việc. Thực tế cho thấy, với những lao động có trình độ chuyên môn cao, có tính tự giác và kỷ luật tốt, người sử dụng đã trả mức lương cao hơn rất nhiều lần so với mức lương tối thiểu. Ngược lại, không ít người lao động chỉ mong hưởng mức lương vài triệu đồng một tháng nhưng vẫn không có người tuyển dụng. Giải thích thế nào khi 2,8 triệu công chức, viên chức nhà nước đang được “hưởng” mức lương tối thiểu 1.150.000 đồng/tháng, bằng hơn 40% mức lương tối thiểu áp dụng cho các DN ở vùng I? Phải chăng, công chức, viên chức nhà nước không sống bằng lương? CÁC TIN KHÁC
Tập trung cao nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế
(08/12/2024)
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|