KINH TẾ, XÃ HỘI |
METRO Việt Nam về tay tỷ phú Thái Lan
(08/08/2014)
Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của Thái Lan vừa đạt được thỏa thuận mua lại lĩnh vực kinh doanh sỉ của METRO tại Việt Nam, với giá trị 655 triệu Euro. Theo thỏa thuận giữa Tập đoàn METRO (Đức) và BJC, BJC sẽ tiếp quản toàn bộ hoạt động kinh doanh của Công ty METRO Cash & Carry Việt Nam (MCC VN), bao gồm 19 trung tâm phân phối và danh mục bất động sản có liên quan.
Ông Olaf Koch, Chủ tịch Tập đoàn METRO nói rằng, việc chuyển nhượng này sẽ đem đến giá trị lâu dài cho các bên tham gia. Còn đại diện BJC tin tưởng đây là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt đưa Tập đoàn BJC lên một vị trí mới trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh khu vực Đông Nam Á và tăng cường khả năng cạnh tranh của cả Tập đoàn. Tập đoàn METRO có mặt tại thị trường Việt Nam năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Hiện nay Công ty METRO Cash & Carry Việt Nam có 19 trung tâm trên cả nước với 3.600 nhân viên. Trong năm tài khoá 2012-2013, doanh thu hoạt động của Công ty METRO tại Việt Nam đạt 516 triệu Euro. Trong 12 năm hoạt động, Công ty METRO Cash & Carry Việt Nam đã đầu tư mạnh mẽ và liên tục vào việc phát triển hạ tầng thương mại hiện đại và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiềm năng của Công ty METRO Cash & Carry Việt Nam sẽ tiếp tục được phát huy và tăng cường với năng lực hoạt động có hiệu quả và khả năng mở rộng thị trường của Tập đoàn BJC. Tuy nhiên có một vấn đề mà người dân Việt Nam quan tâm đó là số tiền thuế mà Tập đoàn này nộp vào ngân sách nhà nước trong suốt những năm qua quá ít ỏi so với những hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Từ khi bắt đầu bán hàng (2002) đến năm 2012, chỉ duy nhất năm 2010 Metro khai có lãi 116 tỷ đồng, nhưng do được chuyển lỗ của những năm trước đó nên đến nay doanh nghiệp này cũng chưa đóng một đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Cục Thuế Tp.HCM đã đưa ra những con số thống kê về doanh thu, thu nhập của Metro. Dù doanh thu tăng liên tục qua các năm nhưng kết quả kinh doanh của Công ty này lỗ triền miên. Cụ thể doanh thu năm 2007, 2008 của Metro lần lượt là hơn 6.607 tỷ đồng và 8.175 tỷ đồng nhưng các khoản lỗ lần lượt là 157 tỷ đồng và 190 tỷ đồng. Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỷ đồng, số lỗ cũng cao ngất ngưởng 160 tỷ đồng. Năm 2010 Metro có lãi nhưng đến năm 2011, Công ty này lại về xu hướng quen thuộc khi khai lỗ 89 tỷ đồng. Lý do khiến doanh nghiệp này thua lỗ kéo dài là do phải tập trung mở rộng đầu tư. Phía Metro giải thích rằng chi phí để đầu tư một trung tâm bán sỉ rất lớn, tương đương 300-400 tỷ đồng, bao gồm chi phí đầu tư cho trang thiết bị, tiền thuê đất, đền bù, giải tỏa, quản lý. Do nhiều năm thua lỗ, đến năm 2012, Metro đã lỗ lũy kế 598 tỷ đồng. Sau khi chuyển lỗ qua các năm thì đến năm 2012 Công ty này còn lỗ 254 tỷ đồng trên tổng vốn đầu tư ban đầu là 78 triệu USD. Vì vậy, trong suốt thời gian hoạt động, Metro mới chỉ nộp thuế giá trị gia tăng, môn bài, tiền thuê đất, thuế nhà thầu, chứ chưa nộp bất cứ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào. Theo vtc.vn CÁC TIN KHÁC
Tập trung cao nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế
(08/12/2024)
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|