KINH TẾ, XÃ HỘI |
Tập trung cao nhất cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế
(06/12/2024)
Còn khoảng 3 tuần nữa là khép lại năm 2024. Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đang tập trung cao nhất nhằm hoàn thành và vượt kế hoạch mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đến nay, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp, tình hình kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.
Bức tranh sáng đều Nhìn vào số liệu thống kê có thể thấy, năm 2024, bức tranh kinh tế Việt Nam sáng đều. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2024, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2023, nền kinh tế xuất siêu hơn 24 tỷ USD giá trị hàng hóa. Cũng theo số liệu thống kê, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 11 tháng năm 2024 đạt 31,38 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Còn trong nước, số doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong 11 tháng năm 2024 đạt hơn 218,5 nghìn đơn vị, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2023. Hiện tại, dù chưa có con số cuối cùng nhưng dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 sẽ đạt khoảng 7%, tức cao hơn chỉ tiêu đề ra (6-6,5%). Trong đó, dự kiến 15/15 chỉ tiêu chủ yếu sẽ đạt hoặc vượt kế hoạch. Với kết quả này, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm số ít quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới. Điểm đáng chú ý là các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá. Công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng. Dịch vụ phục hồi tốt; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, du lịch phát triển mạnh. Đặc biệt, cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực, trong đó kinh tế số, kinh tế xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng. Nhiều tổ chức cũng có đánh giá tương đồng về vấn đề này. Theo Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), tăng trưởng quý IV-2024 của nước ta ở mức 7,4% và tăng trưởng cả năm sẽ là 7%. Trong khi đó, Ngân hàng HSBC cho rằng, khu vực sản xuất công nghiệp và xuất khẩu là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng dự báo Tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam có thể tăng 7% trong năm 2024. Tạo đột phá với các động lực tăng trưởng mới Bên cạnh những điểm sáng, nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân là do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược gay gắt; xung đột leo thang ở một số khu vực… Các chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy cục bộ làm giá hàng hóa cơ bản biến động mạnh; kinh tế, thương mại phục hồi chậm; tổng cầu, đầu tư toàn cầu sụt giảm; tỷ giá, lãi suất biến động khó lường... Thực tế này đặt ra yêu cầu giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh ngoài dự báo, nhất là những diễn biến liên quan đến chính sách tiền tệ, tài khóa, bên cạnh việc ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề, kéo dài tại nhiều địa phương. Nhằm thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ đang tập trung đôn đốc, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; quyết tâm giải ngân 95% kế hoạch. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; thành lập các tổ công tác để kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” phát sinh từ thực tiễn. Đáng ghi nhận là, một số hoạt động gần đây cho thấy tính linh hoạt, năng động và rất chủ động của Chính phủ nhằm nâng cao vị thế, sức hấp dẫn của Việt Nam trong hợp tác đầu tư quốc tế. Đơn cử là sự kiện ký thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển trí tuệ nhân tạo của NVIDIA và Trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Đồng thời, để tháo gỡ các "điểm nghẽn", nhất là về hạ tầng giao thông, nguồn lực, thể chế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh yêu cầu thanh tra, kiểm tra những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí, tiêu cực, như: Đầu tư, tài sản công, đất đai, khoáng sản… Điều này góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển cũng như hấp dẫn đầu tư. Từ thực tế và kết quả sáng sủa của năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng của năm 2025 là 7-7,5% nhưng Chính phủ đã xác định mục tiêu cao hơn, với tinh thần phấn đấu quyết liệt, bứt phá để nâng mức tăng trưởng lên khoảng 8%. Sự chuẩn bị cho bước nhảy vọt là rất cần thiết, với yêu cầu rất cao, liên quan đến nhiều quyết sách, lĩnh vực quan trọng, cũng như yêu cầu đáp ứng nhanh, nhằm chớp cơ hội đầu tư, phát huy tối đa nguồn lực, tận dụng thời gian để thúc đẩy tăng trưởng. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, tạo đột phá đối với các động lực tăng trưởng mới, thu hút đầu tư vào lĩnh vực mới, công nghệ cao như bán dẫn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế số… là những giải pháp được ưu tiên.
Theo hanoimoi.vn
CÁC TIN KHÁC
Hà Nội thu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI
(01/08/2024)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024
(11/07/2024)
|